Thay đổi đăng ký kinh doanh
Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi các thông tin như trụ sở, vốn điều lệ, thành viên, người đại diện theo pháp luật,… Nhiều doanh nghiệp chưa rõ thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp và có nhiều câu hỏi liên quan đến thủ tục thay đổi. Bài viết dưới đây, Tâm Minh Phát hướng dẫn chi tiết thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.
Các trường hợp cần phải nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh lên Sở Kế hoạch và đầu tư:
- Thay đổi tên công ty (bao gồm: thay đổi tên bằng tiếng Việt, thay đổi tên tiếng nước ngoài, thay đổi tên viết tắt);
- Thay đổi loại hình doanh nghiệp của công ty (bao gồm: Thay đổi từ TNHH một thành viên sang TNHH hai thành viên trở lên; thay đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, thay đổi từ công ty cổ phần thành công ty TNHH, thay đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty).
- Thay đổi trụ sở chính của công ty;
- Thay đổi thông tin số điện thoại, số fax; email, website công ty;
- Thay đổi ngành, nghề kinh doanh của công ty;
- Thay đổi vốn điều lệ công ty (bao gồm thay đổi tăng vốn điều lệ công ty hoặc thay đổi giảm vốn điều lệ công ty);
- Thay đổi cơ cấu vốn của các thành viên công ty;
- Thay đổi thông tin cổ đông là người nước ngoài: Thay đổi cổ đông là người nước ngoài; thay đổi tỷ lệ góp vốn của cổ đông nước ngoài; thay đổi thông tin về Hộ chiếu, Hộ khẩu của cổ đông là người nước ngoài;
- Thay đổi người đại diện theo pháp luật công ty; Thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của công ty (bao gồm: thay đổi chức danh của người đại diện theo pháp luật; thay đổi chứng minh thư/thẻ căn cước/số hộ chiếu; thay đổi hộ khẩu, chỗ ở hiện tại của người đại diện theo pháp luật);
- Thay đổi thông tin của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên: bao gồm chuyển nhượng chủ sở hữu, thay đổi giấy phép kinh doanh của chủ sở hữu (nếu là pháp nhân), thay đổi thông tin cá nhân của chủ sở hữu (nếu là cá nhân).
- Thay đổi thông tin đăng ký thuế: người phụ trách kế toán; thông tin địa chỉ nhận thông báo thuế; tài khoản ngân hàng, phương pháp tính thuế,…
Các trường hợp không phải nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh lên Sở Kế hoạch và đầu tư:
- Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập;
- Thay đổi cổ đông sáng lập (Trừ trường hợp thay đổi cổ đông sáng lập do chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định).
Hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;
- Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân;
- Thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên;
- Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên khi thay đổi vốn của thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với thay đổi cổ đông/ thành viên là tổ chức vốn đầu tư nước ngoài;
- Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần hoặc Biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần hoặc Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu đối với công ty một thành viên;
- Điều lệ trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên;
- Giấy tờ chứng thực cá nhân công chứng đối với thành viên mới, cổ đông nước ngoài, thay đổi người đại diện theo pháp luật;
Công ty thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại đâu?
- Khi có sự thay đổi 11 nội dung nêu trên: Công ty bắt buộc phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại: Phòng đăng ký kinh doanh / Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Trường hợp công ty thay đổi đăng ký kinh doanh của chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh của công ty thì thực hiện tại: Phòng đăng ký kinh doanh / Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở của chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh.
Thủ tục thực hiện thay đổi đăng ký doanh nghiệp
- Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ
- Phương thức nộp: Nộp trực tuyến tại website Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/
- Khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và bổ sung, thay đổi thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi.
- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không được thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
- Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;
- Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc cơ quan công an.
Một số câu hỏi khi thay đổi đăng ký kinh doanh
Khi thay đổi đăng ký kinh doanh có phải quyết toán thuế và phát hành lại hóa đơn VAT không?
- Khi thay đổi trụ sở khác quận, khác tỉnh doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục chốt thuế chuyển quận nhưng không phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế.
- Khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi thì không phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế trước khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Khi doanh nghiệp thay đổi tên công ty, thay đổi địa chỉ trụ sở cần liên hệ với cơ quan thuế để thay đổi thông tin của công ty trên hóa đơn đã phát hành.
Khi thay đổi nội dung nào doanh nghiệp cần khắc lại con dấu (mộc) công ty?
- Thay đổi tên công ty;
- Thay đổi loại hình doanh nghiệp của công ty;
- Trường hợp thay đổi trụ sở khác quận, tỉnh của công ty: tuy không thuộc trường hợp bắt buộc đổi dấu nhưng để thống nhất với quận/tỉnh mới doanh nghiệp nên cấp đổi con dấu nếu con dấu cũ có thể hiện quận/ tỉnh cũ.
Kể từ ngày 01/07/2015 đến nay, khi doanh nghiệp có nhu cầu khắc dấu pháp nhân mới với tên công ty mới thì doanh nghiệp có quyền lựa chọn số lượng, hình thức con dấu, nội dung con dấu (chỉ bắt buộc có thông tin tên công ty và mã số doanh nghiệp) và thậm chí được quyền giữ lại con dấu cũ với tên công ty cũ. Mặt khác, các con dấu của doanh nghiệp cần phải được khắc với nội dung và hình thức đồng nhất.
Hiện nay, doanh nghiệp thực hiện khắc dấu và có trách nhiệm Thông báo sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp tới Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở Kế hoạch và đầu tư cập nhật lên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Năm 2021, cơ quan công an không quản lý con dấu và cũng không thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho doanh nghiệp (Trừ các doanh nghiệp đặc thù không do Sở Kế hoạch đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).
Lưu ý: Khi doanh nghiệp công bố mẫu dấu lên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cần lưu lại Thông báo sử dụng/thay đổi mẫu dấu (thay thế cho Giấy chứng nhận mẫu dấu trước đây) để khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tại ngân hàng, các đơn vị khác cần xuất trình.