Thành lập Quỹ Từ thiện-Quỹ xã hội

Để đảm bảo hoạt động của quỹ từ thiện, quỹ xã hội tuân thủ đúng quy định pháp luật, ngày 25/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Theo đó, Nghị định đã đưa ra định nghĩa để phân biệt hai loại quỹ trên như sau:

Quỹ xã hội: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Quỹ từ thiện: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Một số nội dung cơ bản trong tổ chức hoạt động của quỹ như sau:

1. Quỹ phải hoạt động theo nguyên tắc

a. Thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động của quỹ không được dùng để phân chia cho các thành viên mà phải sử dụng cho các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện theo điều lệ của quỹ.
b. Tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình.
c. Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
d. Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ.
e. Không phân chia tài sản.
Như vậy, có thể thấy quỹ sẽ có tư cách pháp nhân, có tài sản độc lập để hoạt động.

2. Để được hoạt động, quỹ phải đáp ứng điều kiện thành lập quỹ (điều kiện cấp giấy phép thành lập quỹ) và điều kiện hoạt động quỹ như sau

a. Điều kiện thành lập quỹ

– Có mục đích hoạt động nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
– Có sáng lập viên thành lập quỹ là công dân, tổ chức Việt Nam và đáp ứng điều kiện theo quy định.
– Ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ. Tài sản để đóng góp thành lập quỹ có thể là tiền Việt Nam đồng hoặc tài sản là hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, quyền tài sản khác được quy đổi ra tiền Việt Nam đồng. Trong đó, nếu tài sản đóng góp để thành lập quỹ bao gồm cả hai loại tài sản trên thì tiền đồng phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ được quy đổi ra tiền Việt Nam đồng phải đảm bảo tối thiểu:
• Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 VNĐ hoặc 8.700.000.000 VNĐ (nếu có sự tham gia của cá nhân, tổ chức nước ngoài).
• Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 VNĐ hoặc 3.700.000.000 VNĐ (nếu có sự tham gia của cá nhân, tổ chức nước ngoài).
• Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 VNĐ hoặc 1.200.000.000 VNĐ (nếu có sự tham gia của cá nhân, tổ chức nước ngoài).
• Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 hoặc 620.000.000 VNĐ (nếu có sự tham gia của cá nhân, tổ chức nước ngoài).
– Hồ sơ thành lập quỹ đảm bảo có đủ các tài liệu theo quy định.

b. Điều kiện hoạt động quỹ

– Có giấy phép thành lập quỹ và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận điều lệ.
– Đã công bố về việc thành lập quỹ liên tiếp trên 03 số báo viết/báo điện tử ở trung ương hoặc báo viết/báo điện tử ở địa phương tùy thuộc vào cơ quan cấp giấy phép thành lập quỹ.
– Có văn bản xác nhận của ngân hàng nơi quỹ đăng ký mở tài khoản về số tiền mà từng sáng lập viên cam kết đóng góp để thành lập quỹ đã có đủ trong tài khoản của quỹ. Đối với tài sản khác, phải có tài liệu chứng minh đã hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu tài sản.
– Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ.

3. Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ

a. Bộ trưởng Bộ nội vụ có thẩm quyền giải quyết các thủ tục về thành lập, công nhận điều lệ, công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động, thay đổi thông tin quỹ, thu hồi giấy phép thành lập,… đối với các quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh và quỹ hoạt động trong phạm vi tỉnh có sự tham gia đóng góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

b. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các thủ tục về thành lập, công nhận điều lệ, công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động, thay đổi thông tin quỹ, thu hồi giấy phép thành lập,… đối với các quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh và quỹ hoạt động trong phạm vi huyện, xã có sự tham gia đóng góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

4. Quỹ sẽ bị thu hồi giấy phép thành lập trong các trường hợp sau

a. Quyết định chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể quỹ có hiệu lực.

b. Sau khi được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ nhưng quỹ không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.
Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ từ thiện, quỹ xã hội sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

Trên đây là quy định về việc thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội hiện nay theo nghị định 93/2019/NĐ-CP. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập quỹ, xin vui lòng liên hệ Công ty CP Tư vấn Dịch vụ Tâm Minh Phát qua hotline: 0325.959.468 hoặc email: [email protected] để được tư vấn hỗ trợ thủ tục pháp lý và các giấy tờ liên quan.

Tin liên quan

Quyền và nghĩa vụ của Quỹ
Hiện nay, Quỹ xã hội, quỹ từ thiện là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ. Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.