Có được bổ nhiệm nhiều giám đốc trong một công ty không?

Trả lời: 

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 vừa có hiệu lực thi hành, các điều chỉnh về Công ty cổ phần được quy định tại Chương V, theo đó quy định về Giám đốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần được quy định tại các từ Điều 162 đến Điều 167 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Theo quy định, Hội đồng quản trị là người có thẩm quyền bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.

Luật Doanh nghiệp có quy định về cơ cấu tổ chức chung của loại hình công ty cổ phần, thực tế, mỗi công ty cổ phần lại có một cơ cấu tổ chức và quản lý khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề... mà doanh nghiệp hoạt động.

Theo quy định về pháp luật doanh nghiệp hiện nay không có quy định cụ thể về số lượng giám đốc của một công ty cổ phần. Do đó, có thể hiểu rằng các công ty cổ phần có thể có hơn một giám đốc công ty. Khi đó, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi giám đốc trong công ty được quy định chi tiết tại Điều lệ của doanh nghiệp.

Thông thường, việc thuê giám đốc được thực hiện thông qua việc ký hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm. Mối quan hệ này được điều chỉnh bởi Luật Lao động.

Như vậy, giám đốc được công ty thuê như một người lao động trong doanh nghiệp. Nói cách khác, mối quan hệ giữa giám đốc và công ty là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, do đó, quan hệ này trước hết được điều chỉnh chủ yếu bởi pháp luật lao động, pháp luật doanh nghiệp có vai trò là pháp luật liên quan.

Việc thuê nhiều giám đốc dưới dạng hợp đồng lao động sẽ có những rủi ro nhất định, do đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho phép một nhiệm kỳ của một giám đốc được thuê là không quá 05 năm và được gia hạn nhiều lần. Việc ký hợp đồng để thuê giám đốc còn phụ thuộc vào tình hình hoạt động của công ty, do vậy, các công ty nên nghiên cứu kỹ ưu nhược điểm của từng loại hợp đồng để xác định được những vấn đề rủi ro và có biện pháp phòng tránh trước khi tiến hành ký kết hợp đồng thuê giám đốc công ty.