Tư vấn về đăng ký thêm thành viên mới và bổ sung ngành nghề kinh doanh?

Câu hỏi:

 Kính chào Tâm Minh Phát, tôi có một số thắc mắc xin được tư vấn như sau: Công ty tôi là Công ty cổ phần, nay tôi muốn đăng ký bổ nhiệm thêm 1 thành viên (thành viên mới đã có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật) và đăng ký bổ sung thêm nghành nghề kinh doanh là: Bán thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng. Quy trình thực hiện như thế nào? tại sao? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Tâm Minh Phát, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp xin được tư vấn cho bạn như sau:

Cơ sở pháp lý

-Luật doanh nghiệp 2014

-Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

Nội dung phân tích

1. Về đăng ký thêm thành viên mới

Theo như thông tin bạn cung cấp thì công ty bạn là công ty cổ phần, khi bạn muốn thêm thành viên mới thì bạn có thể tiến hành phát hành thêm cổ phần và tăng vốn điều lệ: “3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.” (Điều 110 Luật doanh nghiệp 2014).

Do bạn cung cấp thông tin là muốn thêm thành viên mới chứ không phải là thay đổi thành viên nên sẽ thuộc trường hợp chào bán cổ phần chứ không phải là chuyển nhượng cổ phần. Cụ thể, Điều 122 Luật doanh nghiệp 2014 cũng quy định:

“Điều 122. Chào bán cổ phần

1. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ.

2. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:

a) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;

b) Chào bán ra công chúng;

c) Chào bán cổ phần riêng lẻ.

3. Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.

4. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.”

Điều 123 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về việc chào bán cổ phần như sau:

“Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Kèm theo thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ phải có các tài liệu sau đây:

a) Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chào bán cổ phần riêng lẻ;

b) Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (nếu có);

2. Thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;

b) Tổng số cổ phần dự định chào bán; các loại cổ phần chào bán và số lượng cổ phần chào bán mỗi loại;

c) Thời điểm, hình thức chào bán cổ phần;

d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;

3. Công ty có quyền bán cổ phần sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh;

4. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.”

Về việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ được thực hiện Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 43/2010/NĐ-CP:

“1. Trường hợp công ty tăng, giảm vốn điều lệ hoặc thay đổi tỷ lệ vốn góp, công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung Thông báo gồm:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp và mã số thuế);

b) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 24 Nghị định này hoặc số quyết định thành lập, mã số doanh nghiệp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu và người được ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;

c) Tỷ lệ phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc của mỗi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, tỷ lệ sở hữu được ủy quyền của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 67 của Luật Doanh nghiệp;

d) Vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ dự định thay đổi; thời điểm và hình thức tăng giảm vốn;

đ) Họ, tên, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 24 Nghị định này, địa chỉ thường trú và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc thành viên hợp danh được ủy quyền đối với công ty hợp danh và Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.

Kèm theo thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thay đổi vốn điều lệ của công ty. Quyết định, biên bản họp Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông và quyết định của chủ sở hữu công ty phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.

Đối với trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn, kèm theo thông báo phải có thêm báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ. Đối với công ty có phần vốn sở hữu nước ngoài chiếm trên 50%, báo cáo tài chính phải được xác nhận của kiểm toán độc lập.”

2. Về bổ sung ngành, nghề kinh doanh:

Điều 34 Nghị định 43/2010/NĐ-CP có quy định như sau:

“Điều 34. Đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh

1. Trường hợp thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung Thông báo bao gồm:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp và mã số thuế);

b) Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;

c) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định thì phải có thêm văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 

Kèm theo Thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.

2. Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận và đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh cho doanh nghiệp.”

Quy trình thực hiện:

-Tiến hành cuộc họp đại hội đồng cổ đông

-Ra biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về bổ sung ngành nghề kinh doanh

-Gửi thông báo về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh cùng với hồ sơ Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 43/2010/NĐ-CP đến phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.

Trường hợp này bạn cần lưu ý rằng, ngành nghề “Bán thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bạn cần phải đáp ứng các điều kiện về chứng chỉ hành nghề và điều kiện về cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Về "Bán thuốc bảo vệ thực vật" cần phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và Chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.

Về "sản xuất kinh doanh giống cây trồng" cần phải có:

* Sản xuất giống cây trồng với mục đích thương mại

- Có địa điểm sản xuất giống cây trồng phù hợp với quy hoạch của ngành Nông nghiệp, ngành Thuỷ sản và phù hợp với yêu cầu sản xuất của từng loại giống, từng cấp giống; bảo đảm tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và pháp luật về thuỷ sản;

- Có cơ sở vật chất và trang, thiết bị kỹ thuật phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất từng loại giống, từng cấp giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản ban hành;

- Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo về kỹ thuật trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thực vật.

* Kinh doanh giống cây trồng chính:

- Có địa điểm kinh doanh và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với việc kinh doanh từng loại giống, từng cấp giống;

- Có nhân viên kỹ thuật đủ năng lực nhận biết loại giống kinh doanh và nắm vững kỹ thuật bảo quản giống cây trồng;

- Có hoặc thuê nhân viên kiểm nghiệm, thiết bị kiểm nghiệm chất lượng các loại giống kinh doanh. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chính mà không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng giống cây trồng và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về thuỷ sản.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.