Những việc cần làm sau khi đổi tên doanh nghiệp
Pháp luật quy định về việc đổi tên công ty như thế nào? Sau khi đổi tên thì công ty cần phải làm những công việc gì trước tiên?
Quy định về đổi tên Công ty
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và các quy định khác hướng dẫn liên quan thì công ty muốn thay đổi tên hoặc chuyển trụ sở chính thì cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của danh nghiệp ký theo mẫu ở mục (4).
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi tên hoặc chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho công ty.
Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì phải thông báo bằng văn bản cho công ty và nêu rõ lý do.
Khi thay đổi tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, quyền và nghĩa vụ của công ty không thay đổi.
Những việc cần làm sau khi thay đổi tên công ty
Sau khi làm thủ tục thay đổi tên công ty và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo tên công ty mới thì công ty cần phải làm những công việc sau đây:
1. Điều chỉnh thông tin trên Điều lệ công ty
Theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
Điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu được quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020, trong đó bao gồm các thông tin như tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có); ngành, nghề kinh doanh...
Do đó, sau khi thay đổi tên công ty, công ty phải tiến hành điều chỉnh thông tin về tên công ty trong Điều lệ công ty.
2. Thay đổi con dấu của công ty
Theo quy định tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 thì con dấu của công ty sẽ bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
Việc thay đổi tên doanh nghiệp là một trong những trường hợp doanh nghiệp cần phải thay đổi mẫu dấu.
Mặc dù hiện nay doanh nghiệp được tự quản lý về mẫu dấu và không cần thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để đồng nhất về mặt hồ sơ, tài liệu và tạo niềm tin cho các đối tác, khách hàng, công ty cần thay đổi mẫu dấu theo tên công ty mới.
Thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng của công ty
Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng cho công ty là nhu cầu bắt buộc nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty, tài khoản ngân hàng là thông tin quan trọng của mỗi doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động giao dịch.
Vì vậy, để thông tin của công ty được đồng nhất, sau khi thay đổi tên, công ty phải liên hệ với ngân hàng đang mở tài khoản để làm thủ tục thay đổi thông tin ngân hàng.
3. Thay đổi thông tin đăng ký bảo hiểm xã hội
Sau khi đổi tên, công ty có trách nhiệm thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội để thay đổi thông tin công ty đăng ký bảo hiểm xã hội.
Theo đó, theo quy định tại Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, thì công ty lập Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK3-TS) kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tên mới nộp tới cơ quan bảo hiểm xã hội để thay đổi thông tin.
Lưu ý: Doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua dịch vụ I-VAN để thực hiện thủ tục này.
4. Thay đổi biển hiệu công ty
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Tên doanh nghiệp được gắn trên biển hiệu công ty, đây là nghĩa vụ bắt buộc, công ty nào không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Do đó, sau khi đổi tên, công ty cần tiến hành thay đổi biện hiệu công ty theo tên mới.
5. Thay đổi thông tin trên văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sửa đổi những thông tin sau đây trên văn bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí:
- Thay đổi, sửa chữa thiếu sót liên quan đến tên và địa chỉ của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ.
- Sửa đổi bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý; sửa đỏi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Do đó, sau khi đổi tên, công ty cần phải là thủ tục sửa đổi thông tin về công ty trên văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Nếu có thắc mắc hoặc hỗ trợ tư vấn, xin vui lòng liên hệ Công ty CP Tư vấn Dịch vụ Tâm Minh Phát qua hotline: 0325.959.468 hoặc email: [email protected]